Bí quyết nói chuyện với sếp về những điều không thể

Bạn có cơ hội tốt hơn và muốn nghỉ việc ở công ty hiện tại, dù ở đây, bạn giữ vị trí khá cao. Nhiều người rơi vào tình huống này không biết làm thế nào

Công việc và cuộc sống cá nhân nhiều biến động khiến bạn nhiều khi rối như tơ vò, đầu lúc nào cũng căng lên như dây đàn và chỉ muốn nổ tung ra. Thế nhưng, mỗi ngày tới công sở, bạn vẫn phải đối diện với bao công việc sếp giao, vẫn phải cố gắng hoàn thành mà không biết làm cách nào để nói cho sếp hiểu.

Nếu chỉ đơn thuần là vấn đề công việc, có thể, bạn sẽ không quá ngập ngừng nhưng đôi khi, những chuyện riêng tư ảnh hưởng không nhỏ đến bạn lại trở nên khó nói. Bạn chẳng biết phải mở lời với sếp thế nào nhưng nếu không nói ra, bạn dễ bị đánh giá về năng lực, trình độ chuyên môn. Hơn nữa, nếu bạn cứ im lặng và vẫn nhận việc như trước, sếp sẽ tiếp tục giao thêm việc và đòi hỏi bạn phải hoàn thành đúng thời hạn, lúc đó, mọi việc lại càng tồi tệ hơn. Bởi một khi tâm trạng không tốt, bạn thật khó để làm việc một cách hiệu quả.

Dù là công việc hay cuộc sống cá nhân gặp rắc rối, tốt hơn hết, bạn nên tìm cách nói cho sếp hiểu hoặc ít nhất cũng là mang tính thông báo cho sếp biết để người ta có hướng phân chia công việc phù hợp. Tất nhiên, những vị sếp có tâm sẽ không bao giờ đẩy cho nhân viên đang gặp phiền muộn thêm những rắc rối mới, miễn là bạn phải nói cho sếp biết, đừng giấu diếm và tự chịu đựng một mình.

Sau đây là một vài mẹo nhỏ giúp bạn có thể chia sẻ với sếp ngay cả những điều tưởng như không thể:

– Bạn đang làm việc quá sức

Công việc ngày càng nhiều khiến bạn như muốn ngất xỉu đi vì quá sức, thế nhưng, nói ra điều đó, bạn rất sợ sếp sẽ nghĩ rằng bạn đang tìm cớ để thoái thác công việc, lười biếng và không nghiêm túc phấn đấu cho sự nghiệp.

Trong trường hợp này, bạn không cần phải nói thẳng. Cách tốt nhất là sắp xếp bàn làm việc để chứng tỏ bạn đang rất bận rộn, khi muốn giao thêm việc, chắc chắn sếp cũng ái ngại vì lượng công việc bạn đang phải xử lý.

Thêm vào đó, ngay chỗ làm việc của bạn có thể đặt một tấm bảng nhỏ, trên đó ghi ra những đầu mục công việc bạn cần làm với thời hạn cụ thể. Sếp sẽ hiểu rằng, bạn đang nhiều việc quan trọng cần giải quyết, không thể trì hoãn được và tự sếp sẽ cân nhắc nên giao công việc đó cho ai.

– Bạn đang chán công việc hiện tại

Không phải là bạn chán việc nhưng với năng lực, trình độ của bạn, vị trí hiện tại dường như không đủ để bạn phát huy hết sở trường của mình. Tuy nhiên, nếu nói với sếp như vậy, rất có thể bạn sẽ bị cho là một kẻ tự tin thái quá, không tự lượng sức mình và tỏ ra kiêu ngạo. Thực tế, công việc cứ lặp đi lặp lại và nhiều năm qua vẫn “giẫm chân tại chỗ” khiến bạn chẳng còn hứng thú và đôi khi, bạn cảm thấy như ở vị trí này kiến thức của bạn đang bị mai một đi.

Bạn nên giành thời gian tìm hiểu xem công ty đang phát triển lĩnh vực nào, vị trí nào phù hợp với bạn hơn và chịu khó tích lũy thêm kiến thức. Một khi cảm thấy đủ tự tin, bạn nên đề nghị nhận thêm việc hoặc chuyển hẳn sang bộ phận mới với lý do bạn muốn thử sức mình ở những công việc mới. Chắc chắn, chẳng có vị sếp nào lại ngăn cản nhiệt huyết đó nếu cảm thấy bạn đủ khả năng.

– Bạn đang mang thai

Đây là sự kiện đáng mừng đối với vợ chồng bạn nói riêng và đại gia đình nói chung nhưng đa phần các công ty lại không chào đón các bà bầu. Đặc biệt, nếu bạn vào công ty chưa lâu đã vội mang bầu thì chẳng ai chào đón cả. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi công ty lại đối diện với tình trạng các bà bầu làm việc kém hiệu quả, rồi nghỉ sinh với đủ các chế độ thai sản, sinh con mà công ty không thể không lo.

Dù biết sếp là người tốt nhưng nhiều người vẫn chọn cách im lặng, để mặc cho đến khi sếp phát hiện ra. Tuy nhiên, đó là sự lựa chọn sai lầm. Tốt nhất, bạn nên vào phòng và nói riêng với sếp, càng sớm càng tốt để công ty có sự bố trí nhân sự và sắp xếp công việc phù hợp, cả giai đoạn bạn bầu bí cho đến kỳ sinh nở.

– Bạn muốn từ chức

Bạn có cơ hội tốt hơn và muốn nghỉ việc ở công ty hiện tại, dù ở đây, bạn giữ vị trí khá cao. Nhiều người rơi vào tình huống này không biết làm thế nào để từ chức mà vẫn giữ được mối quan hệ với sếp, không làm sếp phật ý.

Lúc này, bạn nên để ý xem lúc nào sếp rảnh rỗi, hãy có cuộc gặp riêng để nói chuyện. Nhớ là đừng chọn vào lúc sếp đang vội tới một cuộc họp quan trọng hay bất chợt gặp sếp trong hành lang để nói. Thay vào đó, hãy xin sếp một cuộc gặp riêng và nói rõ với sếp ý định từ chức. Tuy nhiên, bạn cần nói cho sếp hiểu rằng, quá trình làm việc cùng sếp đã cho bạn nhiều kinh nghiệm, bạn học hỏi được rất nhiều điều và chắc chắn sẽ rất hữu ích cho bạn trên con đường mới. Đây là lúc bạn muộn khẳng định mình ở một lĩnh vực mới và bạn hy vọng sự ra đi này không tạo nên khoảng cách giữa bạn với công ty.

– Bạn xứng đáng được thăng tiến

Sự nỗ lực của bản thân với những thành tích đạt được khiến bạn nghĩ rằng bạn xứng đáng được thăng chức hoặc ít ra là tăng lương. Thế nhưng, đừng suy nghĩ chủ quan, cảm tính, hãy ngồi lại đánh giá xem mình đã thực sự xứng đáng hay chưa. Đừng chỉ nói suông mà không có sự phân tích cụ thể, bởi như thế dễ tạo cho sếp cảm giác bạn chưa làm đã đòi công.

Bạn cần thu thập nhiều bằng chứng để chứng tỏ sự xứng đáng của mình, mô tả công việc bạn đã làm, những trách nhiệm bạn gánh vác ở công ty… và sếp sẽ hiểu ý bạn. Đừng bao giờ so sánh với các đồng nghiệp khác để làm bàn đạp cho mình tiến lên.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *